Tôi làm thư ký cho bác Sáng một thời gian thì nghỉ…
Rồi thời gian lặng lẽ trôi qua… Một chiều tan tầm, chợt hay tin bác mất, lòng
chùng xuống xót xa…
Vị “sếp” người Nam bộ
Ngày trước, khi còn là sinh viên đại học, tôi có “tập tành”
tham gia viết bài về mảng văn nghệ cho một số báo. Đó cũng là cơ duyên để tôi
có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu với nhiều văn nghệ sĩ. Trong đó, có lẽ người mà
tôi may mắn được tiếp xúc trong quãng thời gian đủ lâu để lưu lại những ấn
tượng sâu đậm chính là nhà văn Nguyễn Quang Sáng.
Lúc bấy giờ, được các anh chị phóng viên cho biết anh Dũng (tức
đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) đang tìm thư ký cho ba anh ấy, tôi lấy làm phấn
khởi trong lòng. Hẳn là phải may mắn và vinh dự lắm mới được làm việc cùng với
cha đẻ của Chiếc lược ngà, Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang, Con mèo của
Foujita,… Tôi liền tìm cách liên lạc và đánh bạo gọi cho bác Nguyễn Quang Sáng.
Nhanh chóng, tôi nhận được cái hẹn từ bác để trực tiếp trao đổi xem có hợp với
công việc hay không. Tư gia của nhà văn Nguyễn Quang Sáng ở ngay ngã tư một khu
phố, khung cảnh yên bình nhờ bóng cây sa-kê phủ rợp (sau này, bác gái hay kêu
tôi đem lá sa-kê về pha nước uống cho mát). Sau cuộc “phỏng vấn” ngắn, tôi
chính thức được bác nhận làm công việc thư ký. Cuộc gặp gỡ đầu tiên ấy ghi lại
trong tôi những cảm xúc khó tả. Nhớ dạo ấy, tôi hay gọi điện về khoe với ba mẹ,
không ngờ một vị Tổng Thư ký Hội Nhà văn Thành phố ngày nào lại có diện mạo gần
gũi, thái độ thân tình như vậy. Dường như, chính thời gian đã đi qua những khốc
liệt của chiến tranh, những gầm rú kinh hoàng của bom đạn đã giúp những người
cầm bút như bác Sáng có được sự điềm đạm và tĩnh tại trong cuộc sống thường
nhật ở thời bình. Bác ít nói những câu xã
giao như mọi người hay dùng. Bác thường nói xuề xòa, ngắn gọn và đơn giản. Bản
thảo bác viết, câu chữ không cầu kỳ, không dụng công với kỹ thuật văn chương
nhưng cuốn hút sống động. Tôi có cảm giác, sau mỗi câu nói, sau mỗi lời văn, tâm
thế của bác đều an nhiên nhẹ nhàng. Sau này, khi viết báo, tôi vẫn thường cố gắng
học tập cách hành văn mộc mạc, chắc nịch này của bác.
Tôi
không biết uống rượu, nên chỉ có thể chỉ hầu trà bác mỗi buổi sáng đến làm. Có
lần tôi hỏi, gốc người miền Nam sao bác lại nghiện trà Bắc? Bác nói liền, thì lỡ
nghiện nó từ cái hồi ở Hà Nội mà. Vậy là, mỗi sáng trên chiếc bàn bên khoảnh
sân nhỏ trước nhà, lại có một nhà văn già lặng lẽ ngồi với làn khói thuốc mỏng
mảnh bên chén trà ấm, và một cậu sinh viên trẻ háo hức với công việc mới. Nhiều
hôm hứng khởi, hai bác cháu ra quán café gần nhà. Bác châm điếu thuốc. Lâu lâu
kể về quê hương An Giang, về miệt Đồng Tháp Mười, về hồi còn ở 62 Nguyễn Văn Đậu,
về thời nghiên cứu đạo Hòa Hảo, về số phận long đong của tiểu thuyết Đất lửa lúc mới in… Nhất là kế hoạch làm
mấy chục tập phim Khoảnh khắc Võ Văn Kiệt
và cả chuyện phim tài liệu Ấn tượng Võ
Văn Kiệt làm rồi nhưng chưa chiếu vì “ông Kiệt ổng cản” (bác Sáng cùng đạo
diễn Lê Văn Duy thực hiện lúc Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn sống). Mình lặng nghe. Cảm
nhận tuy bác đã yếu, dáng đi đã chậm nhưng bác vẫn minh mẫn và tràn đầy nhiệt
huyết. Để ý khi nào thấy bác ít trầm ngâm suy tư, mình tranh thủ hỏi thêm về
các sáng tác của bác, về nhân duyên đến với nghề viết kịch bản. Hôm nào bác có
độ nhậu trưa ở bên quận 3, biết tôi không uống rượu, bác cho tôi nghỉ sớm. Lúc
đó, bác gái hay giữ tôi lại ăn chuối chiên, tàu hũ nóng và trò chuyện. Tuy trí
nhớ đã kém phần tinh tường, nhiều chuyện đã kể rồi thường hay nhắc lại, nhưng giống
bác Sáng, bác gái cũng cho mình cảm giác gần gũi và thân thiện với nhiều tâm sự
về cuộc sống hằng ngày nhẹ nhàng, bình dị.
Ngoài
công việc chính là giúp bác Sáng đánh máy, chỉnh sửa bản thảo, có nhiều hôm, tôi
còn giúp bác tìm lại hồ sơ giấy tờ hoặc dọn dẹp, phân loại tủ sách của bác. Chủ
yếu là sách văn chương nhiều thể loại, nhiều tác giả, nhiều thời kỳ… Bác nói,
may mà tôi là dân văn nên cũng biết cách phân loại sách để theo từng khu vực. Bác
cũng nhờ tôi sắp đặt nhiều đồ lưu niệm, kỷ vật trong phòng. Nhớ có lần, bác Sáng
chỉ vô hai pho tượng, một là tượng chân dung bác (có người bạn làm tặng), hai
là tượng bác gái (bác Sáng đặt làm thêm) và chia sẻ, nguyện vọng của bác sau
khi mất là được hỏa táng, rồi để cốt vào tượng để ở nhà vừa không phiền toái
chuyện chôn cất vừa đỡ phần con cháu cất công thăm viếng xa xôi. Giờ nhớ lại những
ký ức đó, tôi không khỏi chạnh lòng.
“Hồi
ký” còn dở dang
Năm 2008, khi trả lời phỏng vấn của anh Thất Sơn về việc
viết hồi ký, bác Sáng cho biết bác chỉ thích đọc hồi ký của người khác chứ
không muốn viết. Nhiều lần nhà thơ Lê Minh Quốc, nhà báo Trần Thanh Phương cũng gợi ý tác
giả kịch bản Cánh đồng hoang viết hồi
ký nhưng bác Sáng đều từ chối với ý nghĩ đã viết thể loại này thì phải trung thực.
Nhưng có biết bao lý do mà dễ có mấy ai kể đúng về mình trăm phần trăm. Mà ngẫm
ra, hồi ký, ký ức của bác đã nằm rải rác trong các tác phẩm gửi đến bạn đọc rồi.
Nhất là trong cuốn Nhà văn về làng (xuất
bản năm 2008), cha đẻ của Chiếc lược ngà
đã gợi nhiều kỷ niệm về các thân hữu như Trịnh Công Sơn, Nguyễn Tuân, Nguyễn
Đình Thi, Hồng Sến, Lê Giang… Đó là suy nghĩ, là tâm niệm của bác Sáng mà nhiều
người đều biết đến qua báo chí, qua bè bạn.
Tuy vậy, trong thời gian tôi làm thư ký cho bác, ngay buổi
đầu tiên (và một vài buổi sau nữa), công việc của tôi là giúp bác ghi lại một
cuốn sách có tựa là Chuyện đời nhớ lại kể
nghe chơi, một dạng gần như hồi ký.
Sau nửa buổi trò chuyện,
hỏi thăm về thân thế, quê quán, việc học hành của tôi, bác tâm sự đôi chút về
công việc mà tôi sẽ làm cùng bác. Thật lòng mà nói, lúc đó tôi đang say sưa
trong cảm giác vui mừng. Không chỉ được ngồi đối diện, mà tôi còn vinh dự được
làm việc cùng với nhà văn lớn Nguyễn Quang Sáng. Tôi vẫn nghe nhưng phần nhiều
hơn là chú tâm quan sát bác. Nhưng giờ thì, từng lời nói của bác lúc ấy như vẫn
như còn vương vấn đâu đây. Bác nói, bác định tìm một cô thư ký thì phù hợp hơn
nhưng thấy tôi là con trai mà học ngành văn chương, lại nói năng hiền lành, coi
như cũng có duyên có nghiệp. Công việc thì có lúc vui lúc nhạt vì liên quan đến
đánh máy, soạn thảo nhưng đã làm thì sẽ dần quen và gắn bó. Tôi dạ dạ vâng
vâng, lật đật mở laptop ra. Bác tâm sự lại về việc không viết hồi ký như tôi vừa
kể ở trên. Thế rồi, vừa nhấp một ngụm trà ấm, ở chỗ chiếc bàn ngoài hiên nhà, bác
bảo tôi đánh máy bài đầu tiên với nhan đề “Chuyện
đời nhớ lại, kể nghe chơi”. Bác đọc từng chữ và tôi gõ từng chữ: “Tôi có ý muốn viết những trang hồi ký chuyện
đời nhớ lại, kể nghe chơi. Đây đều là những câu chuyện đời thực, đầy ắp những kỷ
niệm của tôi mà khi nghĩ lại, tôi đều cảm thấy hứng thú. Có vài chuyện cũng đã
được tôi đưa vào các tiểu thuyết…”. Và cứ thế, bác trầm ngâm theo làn khói thuốc,
vừa chiêm nghiệm những khoảnh khắc đời mình, vừa nhắc nhớ nó ra bằng lời.
Những dòng tâm sự như “có
thể chưa báo chí nào biết cái
tên Nguyễn Quang Dũng chính là do anh ruột của nó đặt”; hay chuyện
“thằng Quang có lần đi thi toán giúp bạn học” bị nhà trường phát hiện; chuyện
“thằng Quang thiết kế căn nhà này”;… được bác lần hồi nhớ lại. Bác Sáng cũng kể
nhiều về người bạn thân thiết Trịnh Công Sơn. Đặc biệt là mối thân tình và sự
giao cảm của nhạc sĩ họ Trịnh với anh Dũng. Từ việc mua tặng đàn mandolin Nga, sáng tác bài Mẹ đi vắng dựa theo “mấy câu nói ngây
thơ của thằng Dũng”, giới thiệu cô giáo dạy thêm nhạc lý, đàn organ, viết lời
giới thiệu tập nhạc đầu tiên đến chuyện ông khuyên: “Nếu học nhạc thì không thể
học điện ảnh được, mà học điện ảnh thì vẫn có thể học thêm âm nhạc ở ngoài được”,
anh Dũng nghe vậy tâm đắc, quyết định đi học điện ảnh. Những tâm sự đó, tôi đã
xin phép bác Sáng được kể lại cho đông đảo bạn đọc cả nước được biết qua bài
báo “Nhà
văn Nguyễn Quang Sáng và những kỷ niệm với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn”
đăng trên báo Sài Gòn giải phóng số ra thứ Ba, ngày 03/04/2012. Ngoài nhạc sĩ họ
Trịnh, bác Sáng cũng kể nhiều kỷ niệm với các bằng hữu khác như: Chuyện
về thằng em Quốc Việt;
Kỷ niệm với đại tá công an Nguyễn Quyền Sinh; Về hãng phim Teleza của cô giám đốc Bùi Thị Thanh Nga; Nhạc sĩ Lê Thương với
ba bài Hòn Vọng Phu; Nhớ
người anh Huỳnh Văn Tiểng...
Đặc
biệt là Về nhà thơ Hoàng Yến (người từng
phụ giúp cho đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong những ngày đầu kháng chiến) khi nhà thơ vừa mất cách đó hơn một tháng. Bác Sáng ngậm
ngùi trong những dòng cảm xúc cứ dâng trào Lúc đó, tôi tự hỏi, có
lẽ đằng sau sự mạnh mẽ, lạc quan của bác chính là những nỗi niềm man mác khi chứng
kiến những chiến hữu, những người bạn tâm giao, hoặc thân tình hơn là những người
bạn nhậu lần lượt ra đi về một miền miên viễn. Những trang hồi ức ấy vẫn còn dang dở vì
thời gian sau bác muốn tôi ghi lại giúp bác thành từng bài ngắn về từng bạn bè.
Kịch
bản sân khấu chưa hoàn thành
Bạn đọc các thế hệ
thường bị cuốn hút bởi những trang văn rất đỗi dung dị, thắm đượm tình quê của
tác giả Mùa nước nổi. Tôi cũng vậy.
Trong quá trình làm thư ký cho bác Sáng, tôi hiểu được rằng, chính vì đi nhiều,
chứng kiến nhiều, lại biết lắng nghe và cảm nhận nhiều bằng chính trái tim luôn
hòa cảm với cuộc sống mà bác Sáng đã tạo nên những tác phẩm văn chương rất đời.
Vậy mà còn nhiều trang văn, trang đời chân thật, hồn hậu, đầy nghĩa khí như đất
và người Nam bộ ấy vẫn chưa được hoàn thành.
Ngoài Chuyện đời nhớ lại, kể nghe chơi, bác
Sáng còn dang dở một số bài như: Những kỷ
niệm về Văn Cao; Chuyện ông Mười Đờn;
Chuyện về Frank Greke
(một
người Đức, vì mê nhạc Trịnh và mê uống rượu với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà lấy
tên Việt là Trịnh Công Long; bài này dang dở với câu cuối cùng là: “Bữa nay, chỉ nhớ một vài điều của Long”); Kỷ
niệm với nhạc sĩ Tôn Thất Lập… Đặc biệt là truyện Buồn buồn vui vui (câu chuyện thấm đượm nỗi buồn về những bước đường
gian truân của nhiều số phận cô gái miền Tây) và kịch bản sân
khấu Nhà vua nước nhỏ. Những dòng đầu
của kịch bản Nhà vua nước nhỏ, bác
Sáng tâm sự: “Lâu nay mình ấp ủ một
kịch bản sân khấu (...) Mình đang suy nghĩ sẽ hợp tác viết
với tác giả nào, nhà hát nào. Mình vẫn chưa nghĩ ra một người nào chắc chắn vì
còn nhiều băn
khoăn. Liệu họ có đồng tình với mình
hay không? Có dám xông vào đề tài gai góc hay không?”. Rồi sau hai trang A4 kể
sơ về cốt truyện và định hình một số màn, cảnh, bác kêu tôi viết: “Đại khái câu chuyện là như vậy, khi viết kịch bản sẽ triển khai chi tiết
và cụ thể hơn”. Nhưng giờ thì có lẽ vở kịch ấy sẽ mãi mãi không thể ra mắt công
chúng.
Con đường kỷ niệm
Tôi làm thư ký cho bác Sáng một thời gian thì nghỉ. Một phần vì tôi bắt
đầu đi vào chặng đường những năm cuối đại học, một phần vì bác bận bịu đi các tỉnh
miền Tây để tìm cảm hứng, tìm cảnh quay cho phim về Võ Văn Kiệt. Bác nói, khi
nào cần người giúp tiếp thì sẽ gọi cho tôi. Tôi dạ và hy vọng rồi sẽ có dịp lại
được tiếp tục công việc ý nghĩa này. Rồi thời gian lặng lẽ trôi qua. Tôi tiếp tục
học, tốt nghiệp rồi làm cộng tác viên cho báo Công An Thành phố, một thời gian sau
lại về công tác tại trường Đại học Văn Hiến...
Một chiều tan tầm, chợt hay tin bác mất, lòng chùng xuống xót xa…
Hôm đi viếng bác về, trùng hợp tôi lại có công việc ở quận 9, nơi tôi từng
ở trọ suốt thời sinh viên. Vừa chạy xe, vừa bùi ngùi nhìn cảnh vật hai bên xa lộ
Hà Nội, bao nhiêu kỷ niệm lại ùa về. Mới ngày nào, sau cả tuần trên giảng đường,
đến sáng thứ Bảy, Chủ nhật, tôi lại đi trên con đường này để từ quận 9 sang nhà
bác ở quận 7 để giúp bác viết bản thảo. Những buổi sớm mùa xuân. Gió nhẹ nhàng
thổi. Từng làn nắng vừa lên. Dòng xe bon bon trên cung đường tỏa rộng. Điểm đến
là nhà của một nhà văn Nam bộ hiện đại tiêu biểu mà văn chương của ông đã đi vào
lòng biết bao thế hệ bạn đọc. Tất cả cảm giác đó khó có thể diễn đạt sao cho tròn
vẹn. Nó như vừa mới hôm qua. Vậy mà hôm nay, tôi vừa đưa tiễn bác…
Sài Gòn, tháng Hai 2014
* Mượn tên một tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn
Quang Sáng. Bài viết đã in trên Báo Mực tím số đặc biệt cuối tháng tháng 3/2014 và sách Nguyễn Quang Sáng – văn và đời, NXB Văn hóa Văn nghệ, 2015, trang 147-154.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét