Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015

Từ câu chuyện của châu Phi

Cuối tuần qua, hai buổi nói chuyện của PGS. N’Goné Fall (Trưởng Khoa Công nghiệp sáng tạo, Đại học Senghor, Ai Cập) về những giấc mơ liên lục địa châu Phi đã thu hút sự quan tâm đến nghe của gần một trăm khán giả. Không chỉ là nghệ thuật, phải chăng họ bị cuốn hút bởi ý niệm về một châu lục còn khá xa lạ với Việt Nam?

PGS. N’Goné Fall say sưa trình bày 

XÓA BỎ NHỮNG MẶC ĐỊNH
Là một kiến trúc sư, nhà phê bình nghệ thuật và một nhà giám tuyển chuyên nghiệp, PGS. N’Goné Fall cho thấy sự tinh tế của mình khi mở đầu buổi nói chuyện bằng một lời đính chính nhẹ nhàng rằng châu Phi đang được hiểu bởi những suy nghĩ khá xa rời với hiện thực mà nó đang tồn tại. Điều này cũng giống như việc hiện nay đôi khi nhiều người dân ở một số nơi trên thế giới vẫn cho rằng Việt Nam là nước đang còn xảy ra chiến tranh. Đó đôi phần là do lỗi của truyền thông nhưng người tiếp nhận cũng không phải hoàn toàn vô can. Nếu chịu khó để tâm tìm hiểu, chúng ta sẽ có thể thu thập được những kiến thức sát với hiện thực, và cảm thấy thú vị về những hiểu biết mang tính chất khám phá độc lập này. Quả thực, một châu Phi hiện ra sinh động với một không gian lịch sử, địa lý và chính trị của nó qua những câu chuyện chia sẻ của PGS. N’Goné Fall. Từ những chia sẻ này, như một phần mục đích của PGS. N’Goné Fall, bà muốn dẫn người nghe đến với một nhận thức mới về châu Phi qua góc nhìn văn hóa nghệ thuật.
Đi sâu giới thiệu về nền văn hóa nghệ thuật đương đại của châu Phi, PGS. N’Goné Fall cho thấy giấc mơ về một lục địa hòa hợp. Ngoại trừ Ethiopia, 54 quốc gia ở châu Phi đều chịu sự đô hộ thuộc địa bởi các đế chế thực dân. Chính việc trải qua sự chia cắt địa lý này đã khiến cho giới nghệ sỹ các nước này nghĩ đến việc dùng văn hóa nghệ thuật như một công cụ để xây dựng đất nước cũng như nền tảng gắn bó lục địa. Nhiều trí thức đã và đang vận dụng lý tưởng vì một Liên lục địa Châu Phi hòa hợp trong các sáng tác nghệ thuật của họ. Đó là “một nơi chốn thương thảo giữa các nền văn hóa đa dạng và phức tạp”, PGS. N’Goné Fall cảm động nói.

Toàn cảnh buổi nói chuyện của PGS. N’Goné Fall 

LIÊN HỆ VIỆT NAM
Trong buổi nói chuyện thứ hai, PGS. N’Goné Fall chia sẻ những vốn liếng cũng như những thách thức của nghệ thuật đương đại Châu Phi. Bà cho rằng văn hóa lục địa này luôn phải đối mặt với những quan niệm rập khuôn về “đặc tính châu Phi”. Tréo ngoe ở chỗ, quan niệm này lại là thứ bị định chế từ bên ngoài, nhất là dưới cái nhìn phương Tây. Chỉ dẫn một loạt ví dụ về các công trình của những nghệ sỹ đến từ nhiều quốc gia ở Châu Phi, PGS. N’Goné Fall cho rằng các dự án của các nghệ sỹ này mang tính cập nhật, dịch chuyển và đương thời chứ không gò bó trong ranh giới của chủ nghĩa hiện đại.


Một khán giả đặt câu hỏi trao đổi cùng PGS. N’Goné Fall

Tự nhận là thuần thục tiếng Senegal và tiếng Pháp hơn, PGS. N’Goné Fall cho rằng tiếng Anh của bà là ngôn ngữ thứ ba, thế nên bà lo ngại chưa thể diễn đạt hết những ý tưởng mà mình mong muốn chia sẻ. Thế nhưng, sự hiện diện của khán giả trong buổi nói chuyện thứ hai đã làm tan biến sự lo ngại của PGS. N’Goné Fall (bà diễn thuyết trong hai buổi tối cuối tuần). Khán phòng Marie Curie (Đại học Hoa Sen) vẫn gần như kín người nghe trong buổi thứ hai. Ngoài những khán giả đến nghe từ buổi trước, còn có sự tham gia của nhiều gương mặt mới. Nó cho thấy sức lôi cuốn của chương trình khơi nguồn trí thức này (chương trình nằm trong dự án liên ngành mang tên “Nhận thức Thực tại” do Mạng lưới Quỹ Hoàng tử Claus với Sàn Art tài trợ). Vậy đâu là lý do cho sự cuốn hút đó? Phải chăng là từ những nhận thức mới mẻ này, những khán giả đang chăm chú kia đã có những liên hệ của riêng mình dành cho nước Việt? Cùng chờ đón nghệ thuật nước nhà với những tín hiệu vui từ những buổi nói chuyện khơi nguồn trí thức như vậy.

Bài và ảnh: Xuân Tiến

Bài viết đã đăng trên trang Văn hóa Báo Công an TP.HCM, Website Hương Quê Nhà...

Không có nhận xét nào: