Sáng nay (22/11/2014), tại Hội trường
D, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM, trường này sẽ phối hợp trường ĐH Văn Hiến,
trường ĐH Sài Gòn, Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TP.HCM tổ chức Hội thảo
“Cuộc đời và sự nghiệp GS.NGND. Hoàng Như Mai”.
GS.NGND.
Hoàng Như Mai là một trong số người hiếm hoi thuộc lớp trí thức trước Cách mạng
tháng Tám còn theo đuổi nghiệp dạy văn chương cho đến tận cuối đời. Ông là nhà
nghiên cứu văn học, nhà hoạt động văn hóa, nhà thơ, kịch tác gia, là thầy của
nhiều thế hệ trí thức và giảng viên đại học ngành ngữ văn. Năm nay, nhân dịp giỗ
đầu GS, Hội thảo “Cuộc đời và sự nghiệp
GS.NGND Hoàng Như Mai” dịp để các nhà nghiên cứu, bạn bè, đồng nghiệp, học
trò đánh giá lại sự nghiệp cũng như ôn lại những kỷ niệm mà GS đã để lại qua
các bài viết nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp nghiên cứu văn học, hoạt động
văn hóa, giáo dục và sáng tác thơ, kịch...
Sau
diễn văn khai mạc của TS. Nguyễn Khắc Cảnh (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV),
phát biểu ý kiến của PGS.TS. Trần Văn Thiện (Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến),
phát biểu ý kiến của lãnh đạo thành phố sẽ là phần tham luận của PGS.TS. Võ Văn
Nhơn, của PGS.TS. Trần Hữu Tá, NSND Bạch Tuyết, nhà văn Nguyễn Ngọc Ký, PGS.TS.
Nguyễn Thành Thi, TS. Hồ Quốc Hùng và đại diện gia đình GS Hoàng Như Mai.
Nhân
dịp này, Hội thảo cũng giới thiệu sách “GS.NGND.
Hoàng Như Mai với đồng nghiệp và môn sinh”. Trong bài viết “Đưa tiễn Thầy Hoàng Như Mai”, GS. Huỳnh
Như Phương chia sẻ: thầy Mai “là người nhập
thế”, “những ai ở gần thầy Mai đều luôn có cảm giác được xốc dậy về tinh thần”.
Trả lời trong một bài phỏng vấn của PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân, GS. GS-NGND
Hoàng Như Mai cho rằng: “Người thầy cần tự
học, tự đào luyện, nỗ lực gấp nhiều lần thì học sinh sinh viên ta mới không thiệt
thòi”. NGƯT Nguyễn Ngọc Ký trong bài viết của mình thì có đoạn: “Cuộc đời tôi may mắn được nhiều người yêu
thương, giúp đỡ. Và nếu không có GS Hoàng Như Mai thì sẽ không có Nguyễn Ngọc
Ký của ngày hôm nay”. Trong bài viết “GS
Hoàng Như Mai và những nhân vật văn hoá Việt Nam”, nhà thơ - nhà báo Phan Hoàng đã đúc kết: “Không chỉ những vấn đề lớn lao, mà trang viết của thầy còn lôi cuốn, gợi
cho người đọc nhiều cảm xúc suy tư về những tình cảm gần gũi thân thương”.
Đặc
biệt, sách cũng giới thiệu lại bài viết ngắn của ông Nguyễn Phú Trọng, nguyên
chủ tịch Quốc hội nước CHXNCN VN gửi đến GS Hoàng Như Mai nhân dịp trường ĐH
KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM và Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TP.HCM tổ chức
lễ mừng thọ GS Hoàng Như Mai tròn 90 tuổi vào năm 2008.
Bìa sách GS.NGND. Hoàng
Như Mai với đồng nghiệp và môn sinh
Bên
cạnh đó, sách còn có các bài viết đáng chú ý khác như: Cây đại thụ của nền giáo dục, văn hóa Việt Nam (Bùi Mạnh
Nhị), Hoàng Như Mai – một nhân cách giáo
dục văn hoá cao quý (Đoàn Trọng Huy), GS.NGND.
Hoàng Như Mai: Một đời vì giáo dục (Gia Khánh), Cuộc đời miệt mài với công việc của GS Hoàng Như Mai (Hải
Duyên), Vần thơ cuộc đời, gắn liền với một
nhà giáo (Hoàng Hữu Quế), Một đời
làm thầy, 6 lần làm hiệu trưởng (Hữu Đạt), GS.NGND Hoàng Như Mai, một đời tỏa sáng (Lê Sỹ Tứ), Giáo sư ngữ văn hàng đầu (Nguyễn
Bùi Vợi), GS. Hoàng Như Mai - nghệ
sĩ trên bục giảng (Phùng Hiệu, Nguyễn Tý), GS.NGND Hoàng Như Mai: Yêu nước và lãng mạn - đôi cánh đưa tới
bầu trời văn chương (Vũ Xuân Hương)…
Sau
khi GS.NGND Hoàng Như Mai mất, theo tâm nguyện của ông, đại diện gia đình đã
trao tặng hơn 2.200 đầu sách của cố GS và gói học bổng trị giá 100 triệu đồng
cho trường Đại học Văn Hiến. Trường này đã thành lập Tủ sách Hoàng Như Mai (trực thuộc thư viện trường) để phục vụ đông
đảo sinh viên. Đây là các đầu sách được thầy chắt chiu, tích cóp khá công phu,
được xem là những tư liệu quý, rất có ích cho sinh viên ngành văn học nói riêng
và các chuyên ngành khác thuộc khối ngành khoa học xã hội nhân văn nói chung. Quỹ học bổng Hoàng Như Mai sẽ dành cho
các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đạt thành tích cao trong học tập. Gói học bổng
được trao trong 5 năm, mỗi năm 10 suất (mỗi suất 2 triệu đồng).
Lễ tiếp nhận sách và học
bổng GS.NGND. Hoàng Như Mai
Thực hiện: Xuân Tiến
Bài
viết đã đăng trên trang Văn hóa của Báo Công an TP.HCM số ra Chủ nhật, 22/11/2014,
Website Hội Nhà văn TP.HCM, Website Khoa Văn học và Ngôn ngữ (Trường ĐH
KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM)...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét