Ngày 24/6/2014 tới đây, Câu lạc bộ Haiku Việt TPHCM (CLB Haiku Việt đầu tiên tại Việt Nam, trực thuộc Hội hữu nghị Việt – Nhật TPHCM) sẽ tròn bảy năm thành lập. Chúng tôi đã có buổi phỏng vấn nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu (cố vấn chuyên môn của CLB) về thơ Haiku và vấn đề dịch thơ Haiku ở Việt Nam hiện nay.
Thưa ông, từ 1975 đến nay, ông được biết đến như là người đi đầu trong việc nghiên cứu và dịch thơ Haiku tại Việt Nam. Tại sao ông lại đặc biêt quan tâm đến thể thơ này?
Trong thơ ca thế giới, thơ Haiku là một hiện tượng nổi bật. Vì quá ngắn gọn. Vì rất hình ảnh. Vì đầy thiền vị. Vì thể hiện nhịp điệu vũ trụ. Vì rất tinh tế. Chính vì thế, lần đầu gặp thơ Haiku, tôi đã ngạc nhiên và hạnh phúc. Một sơ ngộ đã khởi lên ân tình giữa thơ Haiku và tôi. Từ đó, tôi theo đuổi thơ Haiku; đồng thời, với theo đuổi những áng thơ và văn kỳ tuyệt của nhân loại.
Tôi vốn thích những gì thanh đạm, trầm lắng mà đầy bao dung. Điều đó, tôi tìm thấy trong thơ Haiku. Thơ Haiku đã đi đến tinh thần tuyệt giản nhưng lại không có gì gợi mở như nó. Dường như, nó không mang một ý nghĩa gì, và chính vì thế, nó có thể được làm đầy bởi biết bao ý nghĩa. Nó là những công án sống động, và dễ dàng đi vào trong tâm hồn ta như một người khách mà ta âm thầm chờ đợi tự kiếp nào.
Thơ Haiku nắm bắt một khoảnh khắc độc sáng nào đó trong cuộc đời từ linh cảm của người thơ. Đó là cái nhìn có một không hai của người thơ. Thơ Haiku là cái nhìn, một cái nhìn vừa thuộc về cá nhân, vừa thuộc về linh hồn của đời sống. Không có cái nhìn kỳ diệu ấy không có thơ Haiku. Vì vậy, niềm quan tâm của tôi đối với thơ Haiku là tình yêu. Và tình yêu bắt đầu từ cái nhìn. Với tôi, thơ Haiku là tự do vô hạn mà một giọt sương có thể có được. Và như một thói quen, không thể thiếu Haiku như không thể thiếu những giọt sương.
Nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu
và tác giả Xuân Tiến tại buổi phỏng vấn
Với tình yêu dành cho Haiku sâu sắc như vậy, ông đã dịch thơ Haiku như thế nào? Và quan niệm của ông về dịch thơ Haiku?
Trước tiên là dịch thơ nói chung. Người ta luôn cho rằng, thơ thì không thể dịch. Nhưng nói vậy, có nghĩa là không nói gì hết. Vì thơ vẫn được phiên dịch khắp thế giới và chuyển ngữ thơ đã kéo dài từ xa xưa đến tận bây giờ và mãi mãi.
Dịch thơ cũng giống như mọi công việc khác. Có hay và có dở, thế thôi. Đôi khi, bản dịch hay hơn nguyên tác. Và cái đôi khi này không hề hiếm hoi như người ta vẫn tưởng. Vậy thì, không cần phải dị ứng với dịch thơ. Không cần phải cao đạo để nói rằng chỉ nên đọc nguyên tác. Ai biết tất cả mọi ngôn ngữ trên đời này để đọc các nhà thơ lớn trong nguyên tác. Và nếu không được như thế thì ta chối bỏ những bài thơ tuyệt diệu không nằm trong ngôn ngữ mà mình đọc được ư? Không đọc Homer, Bashô, Vương Duy, Rilke, Rimbaud… hay sao?
Vậy thì phải dịch thơ thôi. Theo tôi, một bài thơ dịch hay thì đó là một bài thơ hoàn chỉnh không cần phải liên hệ đến nguyên tác mới hiểu hoặc mới cảm được. Có nghĩa là người dịch cũng là một nhà thơ. Lúc đó thì việc dịch đồng hóa với việc sáng tác. Cái khó ở đây chính là sáng tác về phương diện ngôn ngữ, còn phần hồn của nguyên tác phải được sống lại trong hóa thân ngôn ngữ mới. Cho nên, một bản dịch thơ tuyệt vời là hai lần sáng tạo! Mặc cho thiên hạ tha hồ cãi nhau về chuyện có thể dịch thơ hay không, chúng ta vẫn tiếp tục đọc Homer và những nhà thơ lớn khác trong bản dịch.
Trở lại vấn đề dịch thơ Haiku thì phải nói ngay rằng ngôn ngữ thơ Haiku là thứ ngôn ngữ hình ảnh. Dịch Haiku là tái hiện hình ảnh đó một cách sống động nhất. Ta không cần quan tâm đến vần điệu, đối ngẫu, niêm luật như trong thơ Đường. Bởi vì, thơ Haiku không có những thứ đó. Và chính vì vậy mà nó mới phổ biến trong mọi thứ ngôn ngữ như ta thấy hiện thời.
Đọc Haiku là phải nhìn thấy lập tức hình ảnh của khoảnh khắc mà bài thơ vừa chụp được như một nhà nhiếp ảnh tài hoa đầy linh cảm. Thấy được hình ảnh rồi thì chỉ còn tìm cách vận dụng những từ ngữ tinh nhất để “tráng” hình ảnh đó cho sắc nét và tươi mới.
Có một thực tế là việc dịch thơ Haiku ở nước ta vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề, quan điểm của ông như thế nào?
Như đã nói, thơ Haiku sống với hình ảnh. Ngôn từ trong thơ Haiku không hề rắc rối, không hề mang tính trang sức, không bao giờ cầu kỳ. Nhưng tại sao thơ Haiku thường bị dịch sai ở Việt Nam mà điển hình là tập thơ Haiku Nhật Bản đồ sộ vừa mới ra mắt gần đây. Theo tôi, đó là vì người dịch không hiểu biết về văn hóa Nhật Bản, không quen với cái nhìn của người Nhật Bản đối với thiên nhiên và sự vật trong đời, tình yêu cái đẹp, tinh thần thiền ẩn khắp nơi trong văn hóa, mỹ học của cái không… Vì thế, hầu như người dịch chỉ bám vào từng từ riêng lẻ. Tệ hơn nữa, khi nào không hiểu thì người dịch sẵn sàng… bịa ra những điều không hề có trong nguyên tác! Cho nên, người ta dễ dàng tìm ra hàng trăm lỗi sai ngớ ngẩn không cách nào biện minh được. Rất tiếc là do thiếu thông tin mà hàng trăm lỗi sai đó vẫn chưa thể được dư luận quan tâm, đặc biệt ta thấy những tờ báo giấy hàng ngày gần như không đả động gì tới.
Ông nghĩ gì về tình hình sáng tác thơ Haiku ở Việt Nam hiện nay, thưa ông?
Chưa bao giờ thể thơ Haiku được quan tâm nhiều như hiện nay. Có thể nói phong trào sáng tác thơ Haiku đang lan rộng khắp ba miền. Đã có nhiều cuộc thi thơ Haiku, nhiều tập thơ Haiku do người Việt sáng tác liên tiếp được ra đời và bước đầu đã cho thấy một cái nhìn Haiku mang bản sắc Việt Nam với đủ thành phần và lứa tuổi. Có nhiều bạn trẻ đã viết những lời bình những bài Haiku đặc sắc, có bạn mới học cấp ba. Điều đó cho thấy, thể thơ Haiku đã nhập tịch Việt Nam. Tôi biết, có nhiều nghi ngại, băn khoăn, thậm chí dè bỉu về hiện tượng mới này. Nhưng hãy nhớ lại phong trào thơ mới 1930 – 1945, với ảnh hưởng rõ rệt của thơ Pháp cũng đã từng bị công kích nặng nề, bị chế giễu thậm tệ. Nhưng rồi, khi những sáng tác mới đạt tới trình độ tinh hoa thì thơ ca Việt Nam vẫn chuyển mình theo đời sống đang trở nên phong phú trong những làn gió, những hơi thở của Đông lẫn Tây.
Bước đầu, khi tiếp xúc với cái gì khác mình thì mặc nhiên không dễ thích nghi. Cho nên, sẽ gặp những phản ứng trái chiều. Vấn đề là người sáng tác thơ Haiku ở Việt Nam bây giờ phải tự tin, vừa thử nghiệm vừa tìm cho ra cách dung hợp tiếng Việt giàu nhạc điệu, giàu hình ảnh với tinh thần Haiku tinh tế và u huyền. Hy vọng những thành tựu đẹp đẽ sẽ đến với thơ Haiku Việt Nam.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này. Chúc mối ân tình giữa ông và thơ Haiku sẽ nở thêm nhiều những bông hoa tươi thắm.
Thực hiện: Xuân Tiến
Bài viết đã đăng trên trang Văn hóa của Báo Công an TP.HCM số ra thứ ba, 3/6/2014, Website Hội Nhà văn TP.HCM, Website Khoa Văn học và Ngôn ngữ (Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM)...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét